Tin Tôn Đông Á

TÔN ĐÔNG Á CẢI TIẾN SẢN XUẤT VỚI "BA TẠI CHỖ", CHUYỂN HƯỚNG XUẤT KHẨU
27/09/2021

Hồi tháng 8, Ban IV cùng VnExpress khảo sát hơn 70.000 người và nhận thấy lực lượng lao động Việt Nam có nhiều biến động. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, sụt giảm thu nhập... tiếp tục gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 62%, nhất là khi dịch tái bùng phát mạnh tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. Thực trạng này gây áp lực nặng nề với an sinh, duy trì - phục hồi kinh tế nói chung.

Vô số đơn vị vừa và nhỏ kiệt quệ vì Covid-19. Trong khi các doanh nghiệp và người lao động vẫn duy trì được việc làm phải đối mặt loạt thách thức không nhỏ. Việc chuyển đổi quá nhanh từ mô hình trực tiếp sang trực tuyến, áp dụng "ba tại chỗ", "bốn tại chỗ" cùng các yêu cầu chặt chẽ thời dịch... tác động lớn đến tâm lý lao động, đồng thời làm bộc lộ nhiều hạn chế về kỹ năng do chưa có sự chuẩn bị đồng bộ để đáp ứng yêu cầu mới.

Bên cạnh đó, có không ít doanh nghiệp xoay trở kịp thời và lường trước những khó khăn khi dịch có chiều hướng phức tạp.

Tôn Đông Á cải tiến sản xuất với "ba tại chỗ"

Ông Nguyễn Thanh Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tôn Đông Á cho biết bốn tháng qua, hoạt động kinh doanh vẫn ổn định, nhân viên duy trì thu nhập và được làm nhiều ca hơn. Trước đây, sản phẩm của doanh nghiệp cung cấp 70% nội địa, 30% xuất khẩu, tuy nhiên thời dịch có sự chuyển dịch mạnh. Tỷ lệ xuất khẩu hiện 80-85%, tăng cao do chuỗi cung ứng nội địa gặp khó.

Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đối mặt loạt thách thức như: chi phí vận hành cao; áp lực thay đổi, cải tiến liên tục trước sức ép của dịch. Quá trình logistic vận chuyển cũng khó hơn (giấy phép, tàu cảng...). "Dù vậy, chúng tôi giữ vững thành trì sản xuất, các anh chị em nhân viên không mất việc do dịch, đóng góp ngân sách nhà nước đều đặn", ông Thanh Trung nhấn mạnh.


Ông Nguyễn Thanh Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tôn Đông Á

Trước đó, ban lãnh đạo công ty đã dự báo những khó khăn có thể gặp phải và tìm hiểu các cách thức sản xuất trong dịch từ đối tác nước ngoài, những bài học của quốc gia ở Đông Nam Á như Phillippines, Indonesia... khi Covid-19 bùng phát năm 2020.

Khi dịch ảnh hưởng nặng nề ở một số tỉnh miền Bắc như Hải Dương, Bắc Giang... những tình huống thực tế và bài học kinh nghiệm ấy đã cảnh tỉnh đội ngũ lãnh đạo Tôn Đông Á. Họ lập tức lên phương án xây dựng hệ thống, cải tiến sản xuất "ba tại chỗ" để sẵn sàng đón "bão".

"Tháng 4/2020, chúng tôi tổ chức tập huấn thực chiến tại công ty và lên kịch bản ba tại chỗ", ông Thanh Trung kể lại.

Từ tháng 6, ngoài 400 nhân sự làm việc tại nhà, doanh nghiệp chính thức áp dụng "ba tại chỗ" ở bốn nhà máy, một kho hàng trung chuyển, một công ty vận chuyển và ba văn phòng, với tổng cộng hơn 1.200 nhân viên. Mọi bộ phận từ công nhân sản xuất, đội ngũ y tế, hậu cần túc trực tại công ty, đảm bảo sinh hoạt khép kín, giãn cách triệt để.

Tôn Đông Á thực hiện test Covid-19 liên tục để tránh lây nhiễm chéo trong công ty; xây dựng khu vực sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh đáp ứng mọi tiêu chuẩn của Chính phủ. Đơn vị cũng lắp đặt, thay mới toàn hệ thống đường truyền internet đảm bảo chuyển đổi số (các tác vụ chuyển online, chuyển đổi số nền tảng quản lý, quy trình vận hành giấy tờ xuất nhập khẩu...). Ngoài ra, nhân viên được sinh hoạt văn hóa, thể thao, đảm bảo tinh thần khỏe mạnh.


Nhân viên được test Covid-19 thường xuyên suốt ba tháng "ba tại chỗ".

Acecook cổ vũ nhân viên

Hiện lượng nhân sự đăng ký "ba tại chỗ" của Acecook chỉ chiếm nửa tổng số lao động, do đó sản lượng sản xuất giảm nhiều so với bình thường. Tình trạng này dẫn đến vấn đề lớn là nguồn cung của doanh nghiệp đang không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Thời gian qua, đội ngũ lãnh đạo tích cực tìm nhiều phương án cải thiện tình hình.

Hơn 10 tuần thực hiện "ba tại chỗ", Acecook luôn đặt sức khỏe và tinh thần của người lao động lên hàng đầu. Đó cũng là chủ đề được ban lãnh đạo thảo luận liên tục tại các cuộc họp nội bộ.

Công ty thực hiện nhiều video cổ động hoặc gửi thông điệp 'truyền lửa' của lãnh đạo cấp cao nhằm cổ vũ đội ngũ ở lại nhà máy làm việc. Ngoài ra, ban lãnh đạo còn xem xét các giải pháp khác như: khảo sát tâm lý của lực lượng lao động này thường xuyên, hỗ trợ gia đình của họ... Tuy nhiên công ty cần phải dự đoán khả năng có nhiều vấn đề khác phát sinh nếu khi 'ba tại chỗ' trong thời gian dài. Trường hợp xấu nhất nhân sự sẽ luân phiên nghỉ, nhưng sẽ giảm năng lực sản xuất.

Tổng Giám đốc Acecook Việt Nam - ông Kajiwara Junichi - cho hay: "Do không thể gặp gia đình thời gian dài, các nhân sự đều buồn và lo lắng. Vì vậy, việc theo dõi sức khỏe tinh thần, tâm lý người lao động là điều chúng tôi quan tâm nhất lúc này".

Doanh nghiệp cũng cải tạo một số mặt bằng tại nhà máy và tòa nhà lân cận để người lao động có thể sinh hoạt tại đó. Lý do khu sinh hoạt thường hoàn thành trong thời gian rất ngắn, ít không gian riêng tư nên công nhân viên không thực sự thoải mái như ở nhà.


Các khâu sản xuất của Acecook vẫn được duy trì thời dịch. Ảnh:  Acecook

"Hiện chúng tôi tiếp tục duy trì hoạt động của các nhà máy theo phương án 'ba tại chỗ', dù nó gây ra một số khó khăn nhất định khi thời gian ngày càng kéo dài. Chũng tôi vẫn thực hiện một số giải pháp nhằm khích lệ người lao động, cố gắng tiếp tục hợp tác, chăm lo cho sức khỏe cũng như tinh thần của họ.... Song song đó, đội ngũ lãnh đạo suy nghĩ giải pháp tối ưu hơn để có thể cải thiện mô hình này", Tổng Giám đốc Kajiwara Junichi nói thêm.

Asanzo chú trọng cải thiện kỹ năng lao động thời Covid-19

Bốn tháng qua, hoạt động kinh doanh của Asanzo giảm còn khoảng 10%. Chủ tịch Phạm Văn Tam cho biết: "Ngành điện tử đối mặt nhiều thách thức vì không phải hàng thiết yếu. Trong dịch, người tiêu dùng sẽ ưu tiên thực phẩm. Công nhân của chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong việc nhập, xuất hàng".

Do chỉ thị 15, 16 và hạn chế trong việc đi lại, ban lãnh đạo công ty phải chọn lựa, tận dụng những nhân sự gần nhà máy nhất để thực hiện "ba tại chỗ" một số bộ phận.

Ông Tam lý giải công ty sản xuất không như làm trực tuyến, phải vận hành từng khâu, giao lưu liên kết phân xưởng, linh kiện, thành phẩm... nhằm đảm bảo dây chuyền chạy đều, vì vậy việc bó gọn 3 tại chỗ ảnh hưởng nhiều".

Trong bối cảnh làm việc từ xa, công ty gắng tối ưu khâu maketing online. "Thiết kế xong đẩy lên hệ thống, nhân viên ngồi đâu cũng có thể làm được, do đó người quản lý nhìn sơ cũng biết nhân ấy có làm việc hay không. Tuy nhiên, đội ngũ chăm sóc gặp khó với khách hàng truyền thống. Đối tượng này ít tiếp xúc với cách vận hành trực tuyến, phải mất thời gian hướng dẫn tạo thói quen để khách tương tác tốt với công ty", ông Tam nói.

"Người lãnh đạo phải chủ trương đầu tiên, tiếp đến sẽ là nhóm sản xuất, nhóm trưởng phòng kinh doanh, tìm nhân sự giỏi công nghệ để đào tạo nhân viên làm việc theo phương thức truyền thống", ông nói.


Đội ngũ sản xuất kiểm tra linh kiện, bo mạch

Để thích ứng với Covid-19, Asanzo chú trọng cải thiện kỹ năng lao động. Theo ông Tam, muốn nâng cao năng lượng sản xuất, đội ngũ quản lý phải đưa ra phương án khoa học. Muốn giảm bớt việc đi lại thì phải có khâu trung gian để không tiếp xúc với ai, do đó vận chuyển, giao nhận không thể thiếu.

"Trong ngành sản xuất, công ty nào cũng tách riêng bộ phận sản xuất, phần linh kiện, kho thành phẩm để dễ quản lý. Hiện nhân viên ty phải báo cáo trên phần mềm của group (đội, nhóm). Ví dụ thông qua báo cáo trên group sẽ biết hàng vừa giao, công ty nhận đủ hay không. Mỗi một acount của người quản lý nhận hàng có một cách sử lý sự cố riêng. Mỗi cá nhân phải tự bảo mật tài khoản, không được chia sẻ với người khác để đảm bảo tính trách nhiệm", ông Tam nhấn mạnh.

Để giải quyết bài toán khiến nhiều doanh nhiệp đau đầu, VnExpress tổ chức tọa đàm kinh tế với chủ đề "Cải tiến kỹ năng lao động - chìa khóa bứt phá sản xuất trong đại dịch", phát sóng vào 9h ngày 28/9. Nội dung bàn luận xoay quanh nhiều vấn đề như: làm thế nào để doanh nghiệp có thể vừa duy trì sản xuất, vừa hỗ trợ người lao động, hạn chế cắt giảm nhân sự? Chính phủ và các Bộ ngành chức năng tính tới giải pháp chính sách nào để an sinh, hạn chế tình trạng thất nghiệp, không có việc làm ngày càng gia tăng? Làm sao để nguồn nhân lực đáp ứng nhanh các yêu cầu trong bối cảnh mới nhằm duy trì và tạo tiền đề bứt phá sản xuất...

Tham gia tọa đàm có ông Nguyễn Chí Trường, Vụ Trưởng Vụ kỹ năng nghề, Bộ Lao động Thuơng binh và Xã hội; Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng phòng Đào tạo, Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM; ông Vũ Đức Giang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS). Dẫn dắt tọa đàm là nhà báo Ngọc Phạm từ VnExpress.

Link bài viết: https://vnexpress.net/doanh-nghiep-chuyen-doi-cai-tien-san-xuat-thoi-covid-19-4362496.html?fbclid=IwAR3bR2HCW8FSq9za1ayEsfnLmAN4UxGUlRcCQMeCh_tWYWzE7ZqyY8Kqq4E